Hình ảnh hoạt động

26/02/2024

[2402] Phối hợp cùng PCS tổ chức lớp học trực tuyến với chủ đề 1: Phân tích vấn đề và ra quyết định hiệu quả

Những vấn đề thật sự cần lưu ý khi ra quyết định nếu không muốn nhận hậu quả nghiêm trọng
Việc ra quyết định là việc làm gắn chặt với mỗi chúng ta trong cuộc sống, công việc và từ khi 18 tuổi trở đi gần như hành trình cuộc đời chúng ta là hành trình ra quyết định. “Sai một ly đi một (ngàn) dặm” chính là lời nhắc nhở của người xưa về việc này. Tin rằng bản thân chúng ta đã từng là nạn nhân phải gánh hậu quả nghiêm trọng của chính mình khi ra quyết định không chính xác. Hoặc chúng ta đã từng chứng kiến, nghe, thấy rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, CEO phải trả một cái giá cực kỳ kinh khủng khi ra quyết định không chính xác. Vậy, để giúp bạn có thể đưa ra một quyết định tốt hơn, hiệu quả hơn thì đây là một số điều bạn phải thật sự lưu ý và làm tốt:
1. Đầu tiên, bạn hãy nhớ: phải phân tích vấn đề trước rồi mới đưa ra quyết định. Thực tế, rất nhiều bạn khi gặp một vấn đề thì vội vàng đưa ra giải pháp, đưa ra quyết định mà không bao giờ chịu phân tích vấn đề. Chúng ta thường bị cuốn vào tư duy nhanh (Fast Thinking) nhưng thực tế thì tư duy chậm “Slow Thinking” mới chính là yếu tố quan trọng đầu tiên. Bạn cần phải chậm lại để phân tích vấn đề thật kỹ lưỡng, sau đó bạn mới được đưa ra giải pháp hay quyết định.
2. Cách thức để xác định và nêu lên vấn đề một cách hiệu quả. Muốn xác định hiệu quả vấn đề thì bạn phải có phương pháp và đây là 5 câu hỏi để giúp bạn thực hiện việc này, cụ thể :
a. Vấn đề hiện nay anh/chị đang gặp phải trong công việc là gì?
b. Đâu là biểu hiện cụ thể của vấn đề ấy?
c. Đâu là lỗi của vấn đề đó – do hệ thống, quy trình hay con người? Nếu do quy trình thì cụ thể do bước nào trong quy trình? Chiếm khoảng bao nhiêu % việc đang gây nên vấn đề đó? Nếu do con người thì cụ thể do yếu tố nào của con người (thái độ, kiến thức, kỹ năng, văn hoá ..) và đang chiếm bao nhiêu % trong việc gây nên vấn đề đó? Việc bạn càng làm rõ, làm chi tiết các yếu tố này sẽ giúp cho bạn có một cái nhìn chi tiết, sâu sắc hơn về vấn đề mà bạn cần đang giải quyết.
d. Ai (bộ phận nào) có liên quan đến vấn đề đó?
e. Kết quả (hệ lụy) dẫn đến từ vấn đề đó?
3. Khi bạn đã xác định và nêu lên được vấn đề thì bạn phải tìm được “căn nguyên” hay nguyên nhân gốc của vấn đề. Hãy nhớ : “Trị bệnh phải trị tận gốc và không nên đi trị triệu chứng” và “Không có một giải pháp đúng cho một vấn đề sai, một giải pháp đúng cho một vấn đề sai chỉ làm tổn hại thêm về thời gian, chi phí và công sức”.
4. Khi bạn đưa ra giải pháp, đưa ra quyết định thì giải pháp đó, quyết định đó phải giải quyết được “nguyên nhân gốc” chứ không phải là giải quyết được vấn đề. Vì nếu không giải quyết được nguyên nhân gốc thì quyết định của bạn để giải quyết một vấn đề xong thì sẽ phát sinh thêm một vấn đề tương tự như vậy ….
Kết thúc chuyên đề : “Kỹ năng phân tích vấn đề và ra quyết định hiệu quả” cho hơn 60 lãnh đạo, quản lý và chuyên viên của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ chuyển phát nhanh PCS. Mặc dù học online nhưng các anh chị học viên rất nghiêm túc, nhiệt tình, Thầy và Trò đã cùng tạo ra giá trị cho nhau. Cảm ơn Ms Thu (Tổng Giám Đốc PCS); cảm ơn các lãnh đạo của PCS; cảm ơn các anh chị chuyên viên vì đã luôn tin tưởng, thương yêu và tạo điều kiện tốt nhất cho Giảng viên của HRTC được tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của PCS.
Một số hình ảnh hoạt động của lớp học:
Chân thành cảm ơn Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ chuyển phát nhanh PCS cùng các anh chị học viên đã tiếp tục tin tưởng và tạo điều kiện để HRTC được tiếp tục chia sẻ và đào tạo cho nguồn nhân lực của PCS, yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển và thành công của các doanh nghiệp trong nước.

___HRTC__